Từ một địa phương có tốc độ tăng trưởng đứng thứ 10 cả nước trong năm 2021, sang quý 1/2022 tỉnh đã vươn lên xếp thứ nhất với mức tăng trưởng trên 14%. Không chỉ vậy, dựa trên tình hình phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh có thể đạt mức 20% trong cả năm nay.
Năm 2021, Bắc Giang có mức tăng trưởng GRDP ấn tượng 7,82%, đứng thứ 10 cả nước trong năm 2021. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh và khá vững chắc. Các doanh nghiệp quy mô lớn đã ổn định, đẩy mạnh sản xuất, sử dụng lao động ở mức tương đương và nhiều hơn so thời điểm trước dịch, tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng.
Trong quý 1/2022, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19, giá cả một số nguyên vật liệu đầu vào mặt hàng thiết yếu gia tăng, ảnh hưởng lớn đến hầu hết các lĩnh vực. Song nhờ sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Giang đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, kinh tế duy trì đà phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 14,33%. Các ngành sản xuất đều có tăng trưởng, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,31%, công nghiệp – xây dựng tăng 19,32%, dịch vụ tăng 1,92%, thuế sản phẩm tăng 2,17%.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 310,52 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, bằng 44,45% so với cùng kỳ. Trong đó, cấp mới 6 dự án trong nước, vốn đăng ký 324,9 tỷ đồng (bằng 42,28%) và cấp mới cho 5 dự án FDI, vốn đăng ký 102,7 triệu USD (bằng 18%); điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án FDI, vốn đăng ký tăng thêm 193,7 triệu USD (gấp 3,2 lần).
Để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, Bắc Giang phát triển tập trung ưu tiên nguồn vốn ngân sách, tăng cường huy động, thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Một số dự án điển hình mà Bắc Giang đã thực hiện đó là: Dự án Đường nối Quốc lộ 37-Quốc lộ 17-Võ Nhai (Thái Nguyên), tổng mức đầu tư trên 1.452 tỷ đồng với thời gian thực hiện năm 2021-2024; Dự án Hạ tầng, kho bãi trung tâm Logistics quốc tế thành phố Bắc Giang tổng vốn đầu tư trên 4.194 tỷ đồng, thời gian hoàn thành đi vào hoạt động dự kiến vào năm 2025…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, trong quý 1, GRDP của tỉnh tăng trên 14% – mức cao nhất cả nước và có thể tăng trưởng 20% trong cả năm nay. Để có được kết quả này, tỉnh đã và đang tiếp tục rà soát tạo đột phá về chính sách, đặc biệt là tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm.
Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện nhiều đột phá mới, từ đột phá chính sách tạo đột phá về hạ tầng, đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho cấp dưới, còn lãnh đạo tỉnh chủ yếu đi kiểm tra, đôn đốc chứ không giải quyết thủ tục cụ thể. Không chỉ vậy, tỉnh còn đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, vì dân số ít nên tạo điều kiện thu hút nguồn lao động từ nơi khác, nhất là qua việc phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, đến 2025, tỉnh dự kiến huy động trên 52.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển đồng bộ cả ba loại hình giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Phát triển mạnh hạ tầng cơ sở để phục vụ giao thông đối nội và đối ngoại.
Trong đó, phát triển đột phá mạng lưới giao thông đường bộ, tăng chiều dài đường và quy mô cấp đường, nâng cấp hạ tầng đường sắt, đường thủy nội địa, bảo đảm kết nối giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy.
Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2030, Bắc Giang tập trung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các tuyến đường tỉnh hiện có. Trong đó, điều chỉnh cắt giảm 1,5 km đường tỉnh 288 tại đầu tuyến về đường huyện quản lý; bổ sung 1,5 km từ điểm đầu nhánh 3 đường Vành đai 4 đến đê sông Cầu quy mô cấp 3; bổ sung xây dựng cầu vượt sông Cầu.
Tỉnh dự kiến sẽ điều chỉnh quy mô đường tỉnh 293 đoạn TP Bắc Giang – quốc lộ 37 dài 20 km từ cấp 3 lên cấp 2. Đồng thời, tỉnh điều chỉnh chuyển toàn bộ đường tỉnh 298B hiện trạng thành đường huyện, bắt đầu từ đường tỉnh 295B, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên đến đoạn đường tỉnh 298 (Km 14 200) – quốc lộ 37 (Km77 200) – chùa Bổ Đà và kết thúc tại đê sông Cầu với chiều dài tuyến 14,5 km với quy mô cấp 3.
Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng tập trung bổ sung quy hoạch một số tuyến đường kết nối giữa cảng và đường gồm đường kết nối cảng Đồng Sơn với quốc lộ 1; tuyến đường kết nối cảng Quang Châu với khu công nghiệp Quang Châu và quốc lộ 1; tuyến kết nối đường tỉnh 293 đến cảng Tân Tiến; tuyến kết nối quốc lộ 17 với cảng Thạch Bàn, quy mô tối thiểu đạt cấp 4.
Theo Nhịp sống kinh tế